Trong đời sống của chúng ta, vải vóc là một chất liệu không thể thiếu. Những ứng dụng quan trọng của nó là vấn đề không cần phải bàn cãi gì nữa. Nó là một mạng lưới các xơ sợi tự nhiên hoặc tổng hợp được kết hợp với nhau bằng cách dệt, đan, ghép nút hoặc gắn các sợi lại với nhau. Vải được tạo ra từ các xơ sợi có diện tích bề mặt, độ dày, độ bền cơ học đủ để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Về cơ bản, có thể chia ra làm 3 phương pháp để sản xuất vải: dệt thoi, dệt kim và không dệt. Ngoài ra còn một số phương pháp khác để sản xuất vải. Trong khuôn khổ bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ba loại vải được tạo ra từ các phương pháp này.

Phân biệt vải dệt thoi, vải dệt kim và vải không dệt

I. Vải dệt thoi (woven fabric)

Vải dệt thoi là sự kết hợp xen kẽ giữa các sợi dọc (warp yarn) và sợi ngang (weft yarn) được dệt thẳng góc với nhau. Sợi dọc là sợi chạy suốt theo chiều dọc của vải, còn sợi ngang là sợi chạy theo chiều ngang. Tùy vào từng kiểu dệt khác nhau mà người ta sẽ kết hợp các dợi dọc với sợi ngang theo những cách khác nhau. Từ đó tạo ra nhiều loại vải dệt thoi có cấu trúc khác nhau.

Cấu trúc vải dệt thoi

vai-det-thoi-woven-fabric

1. Tính chất của vải dệt thoi

Vải dệt thoi có những tính chất tốt cho nhiều ứng dụng:

– Vải dệt thoi có cấu trúc chặt chẽ nên thường ổn định về kích thước.

– Độ co giãn ít hơn vải dệt kim (trừ trường hợp nó được dệt từ sợi co giãn).

– Vải dễ bị nhăn, theo thời gian cần phải ủi (đặc biệt là vải cotton, linen…)

– Dễ tạo nếp và giữ nếp tốt.

– Vải rất ít bị cuốn mép và tuột vòng.

Một số loại vải dệt thoi

mot-so-loai-vai-det-thoi

2. Ứng dụng của vải dệt thoi

Vải dệt thoi được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Nó dùng để làm quần áo, đồ nội thất… và nhiều ứng dụng khác trong y tế, kỹ thuật… Quần áo được làm từ vải dệt thoi khá chắc chắn và thường có tuổi thọ cao. Nó mang lại cho bộ trang phục của bạn thêm nổi bật với những nét sang trọng và quý phái riêng.

II. Vải dệt kim (knitting fabric)

Vải dệt kim là vải được tạo thành bằng các vòng sợi đan xen với nhau theo một cấu trúc nhất định. Các vòng sợi (loop) liên kết với nhau theo hướng dọc và hướng ngang. Các vòng sợi mới sẽ được lồng qua các vòng sợi cũ và cứ tiếp tục quá trình như vậy để tạo thành vải.

Cấu trúc vải dệt kim

vai-det-kim-knitting-fabric

Vải dệt kim có cấu trúc vòng sợi, bao gồm:

Các hàng ngang: được gọi là hàng vòng (course). Trên mỗi hàng vòng, các vòng sợi có thể nằm thẳng đứng hoặc xiên trái, xiên phải.

Các cột dọc: được gọi là cột vòng (wale). Trên mỗi cột vòng, các vòng sợi có thể nằm thẳng đứng hoặc xiên tạo thành những đường zic-zac đối xứng nhau.

1. Tính chất của vải dệt kim

So với vải dệt thoi, vải dệt kim cũng có rất nhiều ưu điểm. Chúng ta sẽ điểm qua một số tính chất của loại vải này.

– Vải dệt kim có cấu trúc lỏng lẻo hơn vải dệt thoi nên thoáng, mềm và xốp, tạo cảm giác dễ chịu khi mặc.

– Tính co giãn và đàn hồi tốt hơn vải dệt thoi.

– Ít bị nhăn, ít khi cần ủi hoặc không cần ủi.

– Dễ bảo quản và giặt

– Giữ nhiệt tốt.

– Khả năng giữ nếp kém và khó tạo nếp gấp so với vải dệt thoi.

– Vải rất dễ bị cuốn mép và tuột vòng.

Một số loại vải dệt kim

mot-so-loai-vai-det-kim

2. Ứng dụng của vải dệt kim

Cũng như vải dệt thoi, vải dệt kim có nhiều ứng dụng trong đời sống. Nó ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như may mặc, nội thất… bởi những ưu điểm tuyệt vời như đã kể ở trên. Ngoài ra, vải dệt kim tương đối rẻ và dễ sử dụng nên nó là sự lựa chọn của nhiều nhà sản xuất và người tiêu dùng.

III. Vải không dệt (Non-woven fabric)

Vải không dệt là các loại vải được tạo ra không phải bằng phương pháp dệt thoi hay dệt kim mà được liên kết với nhau bằng cách xử lý nhiệt, hóa học, cơ học hoặc bằng dung môi.

Vải không dệt

vai-khong-det-non-woven-fabric

1. Tính chất của vải không dệt

Vải không dệt có nhiều tính chất ưu việt, có thể kể đến như:

– Vải thường có trọng lượng nhẹ, mỏng và xốp

– Độ bền cao, khả năng chịu lực rất tốt

– Khả năng thấm hút tốt

– Dễ in ấn mà không bị phai màu

– Giá thành tương đối rẻ

– Dễ phân hủy nên thân thiện với môi trường

– Nhược điểm là tuổi thọ không cao và khả năng bảo quản kém.

2. Ứng dụng của vải không dệt

Vải không dệt có nhiều ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: may mặc, nông nghiệp, y tế, bảo hộ lao động… Có thể kể đến một số ứng dụng cụ thể như:

  • Quần áo, trang phục biểu diễn, áo lót, đế giày…
  • Áo cách ly, khẩu trang, vớ, tã lót…
  • Túi siêu thị, khăn trải bàn…
  • Đồ bảo hộ lao động, găng tay, mặt nạ chống bụi

Lời kết

Trên đây là những khái niệm sơ lược về 3 phương pháp để sản xuất vải: dệt thoi, dệt kim và không dệt. Hiện nay, nhiều phương pháp dệt hiện đại khác đã và đang được phát triển để tạo ra nhiều loại vải phục vụ cho nhiều ứng dụng khác nhau. Hi vọng những chia sẻ trên đây sẽ hữu ích phần nào với các bạn. Bài viết có thể còn thiếu xót và chưa được hoàn thiện. Mong nhận được những chia sẻ và đóng góp ý kiến của tất cả các bạn.