Chúng ta hay nghe nhắc nhiều đến vải dệt kim (hay knitted fabric). Đây là một loại vải được sử dụng rất rộng rãi và được ứng dụng nhiều trong ngành may mặc. Vậy vải dệt kim là gì? Vải dệt kim có những tính chất và ứng dụng gì? Có những loại vải dệt kim nào? Trong bài viết hôm nay, chúng tôi xin chia sẻ đôi nét về loại vải này. Mời các bạn cùng tham khảo nhé!

VẢI DỆT KIM – TÍNH CHẤT, PHÂN LOẠI VÀ ỨNG DỤNG

1. Vải dệt kim là gì?

Vải dệt kim là vải được tạo ra từ phương pháp dệt kim – một trong hai phương pháp chính trong dệt vải hay các sản phẩm khác. Phương pháp chính thứ hai là dệt thoi.

Vải dệt kim được tạo ra bởi sự liên kết của hệ thống vòng sợi, được sản xuất bằng máy dệt kim. Đầu tiên, dùng kim dệt để kết sợi hoặc tơ dài thành cuộn sợi. Sau đó, các cuộn sợi được đặt vào các bộ suốt. Chúng được dệt xen kẽ với nhau theo quy luật tạo vòng nhờ hệ thống kim dệt. Các vòng sợi được tạo ra nhờ cơ cấu chuyển động nâng lên, hạ xuống và kết hợp với sự đóng mở kim của hệ thống kim dệt trên máy dệt kim để tạo thành vải.

Cấu trúc vải dệt kim

vai-det-kim-knitting-fabric

Vải dệt kim có cấu trúc vòng sợi, bao gồm:

– Các hàng ngang: được gọi là hàng vòng (course). Trên mỗi hàng vòng, các vòng sợi có thể nằm thẳng đứng hoặc xiên trái, xiên phải.

– Các cột dọc: được gọi là cột vòng (wale). Trên mỗi cột vòng, các vòng sợi có thể nằm thẳng đứng hoặc xiên tạo thành những đường zic-zac đối xứng nhau.

2. Tính chất của vải dệt kim

Vải dệt kim có nhiều tính chất nổi trội và được nhiều sự chú ý kể từ khi nó được ra đời. Một trong những đặc điểm nổi bật ấy là sự đàn hồi và co dãn tốt. Nó có thể kéo dãn theo mọi hướng. Trong khi đó, vải dệt thoi khó kéo dãn hoặc kéo dãn rất ít trừ khi nó được dệt từ loại sợi co giãn tốt như spandex. Đây cũng chính là một đặc điểm ưu việt của vải dệt kim so với vải dệt thoi. Vì vậy,loại vải này luôn có một chỗ đứng quan trọng trên thị trường dệt may và chiếm thị phần ngày càng lớn.

Ngoài ra tính co dãn tốt, vải dệt kim còn có những tính chất nổi bật như:

– Vải dệt kim có cấu trúc lỏng lẻo hơn vải dệt thoi nên thoáng, mềm và xốp, tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái cho người mặc.

– Ít bị nhăn, ít khi cần ủi hoặc không cần ủi.

– Đa đạng về chất liệu và thiết kế

– Dễ dàng cho việc may mặc và thời trang

– Dễ bảo quản và giặt.

– Giữ nhiệt tốt.

vai-det-kim

Tuy nhiên, vải dệt kim có một số nhược điểm như:

– Độ ổn định kích thướt kém hơn vải dệt thoi

– Khả năng giữ nếp kém và khó tạo nếp gấp so với vải dệt thoi.

– Vải rất dễ bị cuốn mép và tuột vòng.

3. Phân loại vải dệt kim

Căn cứ vào phương pháp tạo vòng sợi trong công nghệ dệt kim mà vải dệt kim được phân làm 2 loại chính:

phan-loai-vai-det-kim-weft-and-warp-knitting

3.1. Weft knit – vải dệt kim đan ngang

– Các cột hàng vòng (course) và cột vòng (wale) vuông góc với nhau.

– Về lý thuyết, dệt đan ngang có thể dệt từ một sợi duy nhất bằng cách dệt từng hàng vòng (course) một. Nhưng trong thực tế, vải dệt kim đan ngang được dệt từ rất nhiều tổ sợi.

– Có thể dệt bằng máy hoặc bằng tay

3.2. Warp knit – Vải dệt kim đan dọc

– Các cột hàng vòng (course) và cột vòng (wale) gần như song song với nhau.

– Dệt đan dọc, mỗi sợi chỉ dùng cho một cột vòng. Mỗi tấm vải dệt kim đan dọc có thể có rất nhiều cột vòng tương ứng với từng ấy cối sợi.

– Thường dệt bằng máy

Trong đó, vải dệt kim đan ngang (weft knit) dễ dệt hơn và được sử dụng phổ biến hơn.

4. Một số loại vải dệt kim thông dụng

4.1. Vải dệt kim đan ngang (Weft knit fabric)

Có nhiều loại vải dệt kiểu đan ngang bao gồm cả dệt một mặt phải như: Single Jersey, Lacoste và vải dệt hai mặt như: Rib, Purl, Interlock, Cable Fabric, Bird’s Eye, Cardigans, Pointelle… Dưới đây là một số kiểu dệt thông dụng.

– Single Jersey: là loại vải được dệt với một mặt phải và một mặt trái phân biệt rõ rệt. Ở mặt phải nhìn rõ các trụ vòng, còn ở mặt trái ta nhìn rõ các hàng vòng. Vải có độ giãn tốt nhưng dễ bị cuốn mép và tuột vòng.

– Interlock: là loại vải có hai mặt giống nhau và đều là mặt phải. Các cột vòng của lớp vải này chồng khít lên và che lấp các cột vòng của lớp vải kia. Vải có bề mặt bóng min, độ giãn thấp nhưng không uốn mép và tuột vòng.

– Rib: Đây cũng là một loại vải có hai mặt giống nhau. Khi kéo giãn vải theo chiều ngang ta sẽ thấy các cột vòng trái và cột vòng phải phải nằm xen kẽ với nhau. Các cột vòng trái và phải này sẽ tạo thành hai lớp cột vòng nằm song song và gần sát nhau. Vải dệt kiểu Rib có độ co giãn tốt và không bị cuốn mép.

4.2. Vải dệt kim đan dọc (Warp knit fabric)

Một số vải dệt kiểu đan dọc thông dụng:

– Tricot: Vải dệt theo kiểu Tricot có sự mềm, rũ, ít nhăn và độ co giãn tốt. Nó được sử dụng phổ biến trong đồ lót nam nữ, quần áo ngủ, váy…

– Raschel: Vải dệt theo kiểu Raschel cũng chiếm vị trí quan trọng như kiểu Tricot. Nó có thể dệt với mật độ dày hay thưa nhưng nhìn chung độ giãn không đáng kể. Vải Raschel thường ứng dụng trong các vật dụng từ dây buộc đến quần áo, đồ bơi, thảm…

– Milan: Vải dệt theo kiểu Milan khá giống với kiểu Tricot nhưng vượt trội hơn về độ mượt, độ đàn hồi, cấu trúc đồng đều và khả năng chống ma sát tốt.

5. Ứng dụng của vải dệt kim

Các sản phẩm dệt kim một mặt, hai mặt hay có giãn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đó có thể là các sản phẩm dệt kim một mặt, hai mặt hay có giãn 2 chiều. Dệt kim có thể sử dụng nhiều chất liệu từ tự nhiên hư cotton, linen hay tổng hợp như polyester, nylon… hoặc kết hợp cả hai loại này để tạo ra các sản phẩm với những tính chất đặc biệt khác nhau tùy vào nhu cầu và mục đích sử dụng. Các sản phẩm dệt kim có thể không hoặc có xử lý hoàn tất như: hút nước, chống thấm, chống cháy, hồ mềm,… tạo nên sự đa dạng và phong phú về ứng dụng của loại vải này. Ngoài sử dụng trong các sản phẩm may mặc và thời trang thì nó còn ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác. Dưới đây là một số lĩnh vực ứng dụng các sản phẩm từ dệt kim.

5.1. Quần áo

Ứng dụng phổ biến nhất của vải dệt kim là trong lĩnh vực thời trang và may mặc với nhiều loại vải với những kiểu dệt đa dạng.

ung-dung-cua-vai-det-kim-1

– Single Jersey: loại vải dệt một mặt phải ứng dụng làm những quần áo mềm mại, linh hoạt như váy, áo phông, áo khoác mềm và áo choàng…

– Interlock: một loại vải dệt với hai mặt giống nhau sử dụng nhiều trong làm đồ ngủ, đồ lót..

– Tricot: thích hợp để may những trang phục năng động như quần áo nịt (cho diễn viên múa), áo tắm…

– Switer: vải len dệt kim có thể sử dụng để làm áo len, váy…

5.2. Đồ thể thao và sản phẩm chức năng

Một trong những ứng dụng quan trọng của hàng dệt kim là trong đồ thể thao và các sản phẩm may mặc chức năng. Tính đàn hồi, co giãn tốt cũng như thoáng mát, mềm mại chính là những đặc điểm ưu việt để vải dệt kim ứng dụng nhiều trong trang phục thể thao hơn là vải dệt thoi. Các sản phẩm thể thao phổ biến là quần, áo, vớ…

ung-dung-cua-vai-det-kim-2

Nếu như sử dụng chất liệu cotton giữ độ ẩm tốt kết hợp với mồ hôi có thể gây ra cảm giác khó chịu, hay sử dụng vải tổng hợp như polyester giữa độ ẩm kém có thể làm cho da khô thì chúng ta có thể kết hợp cả hai loại vải này trong một sản phẩm để mang lại cảm giác tốt nhất. Cấu trúc này có thể làm tăng sự thoải mái và thành tích của các vận động viên thể thao.

5.3. Một số ứng dụng khác

5.3.1. Các sản phẩm dạng lưới (Nets)

Các sản phẩm dệt kim dạng lưới ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, đóng gói, vận chuyển, thể thao, xây dựng, chăm sóc sức khỏe… Nó có thể được làm từ nhiều chất liệu sợi khác nhau. Các sản phẩm dạng lưới đàn hồi thường sử dụng chất liệu sợi elastane.

5.3.2. Sản phẩm y tế

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm dệt kim được sử dụng trong các cơ sở y tế. Phần lớn trong số đó là quần áo của các bác sĩ và y tá như áo lót, vớ… Một số sản phẩm khác có thể kể đến như: băng y tế, vớ phẩu thuật, nẹp (đâu gối, khủy tay, thắt lưng), lưới phẩu thuật, mạch máu nhân tạo, van tim nhân tạo… Các sản phẩm dệt kim trong y tế khác với các sản phẩm thông thường bởi vì nó được xử lý để có các tính chất đặc biệt như: kháng khuẩn, chống nhiễm trùng, mùi hôi khó chịu. Một số loại có thể phân hủy và có lợi sinh học, chịu đựng được quá trình khử trùng liên tục…

5.3.3. Đồ dùng nội thất

Các sản phẩm dệt kim được sử dụng khá phổ biến trong các vật dụng trong nhà như nệm, túi giặt, lưới chống muỗi… Ngoài ra có thể kể đến các sản phẩm như khăn tắm, chăn mền, rèm, màn cửa…

Ngoài những ứng dụng trên, vải dệt kim còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp (mặt nạ, khẩu trang, đồ bảo hộ…), xe cộ (miếng lót đầu xe, đệm xe, mũ bảo hiểm…)… và rất nhiều ứng dụng quan trọng khác.

Lời kết

Có thể nói vải dệt kim có những tính chất ưu việt có thể được dệt từ nhiều loại chất liệu từ tự nhiên đến tổng hợp. Bên cạnh đó, sự đa dạng về kiểu dệt vải cũng tạo nên sự phong phú cho các sản phẩm dệt may dệt kim. Chính vì vậy, nó đã đang và sẽ được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới cũng như giữ vững chỗ đứng trên thị trường dệt may và thời trang cùng với vải dệt thoi và vải không dệt. Hiện nay, các nhà sản xuất và thiết kế đã phất triển nhiều hơn nữa các sản phẩm từ hàng dệt kim để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Những ứng dụng của các sản phẩm dệt kim cũng ngày một mở rộng. Trên đây là một số thông tin về vải dệt kim xin được chia sẻ cùng các bạn. Hi vọng nó hữu ích và giúp bạn được một phần nào đó. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này và mong được gặp lại các bạn ở những bài viết sau.