Các bạn đã được giới thiệu đến bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học lớp 8 trong năm đầu tiên bắt đầu biết đến môn học này. Bài học bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học lớp 10 có điều gì mới, xin mời các bạn đọc bài viết này để hiểu rõ hơn.

Mục tiêu bài học:

  • Ôn lại lý thuyết về nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn và cách đọc bảng tuần hoàn.
  • Làm bài tập về bảng tuần hoàn với góc tiếp cận mới, bài tập có độ khó cao hơn lớp 8.

ÔN LẠI LÝ THUYẾT VỀ BẢNG TUẦN HOÀN HÓA HỌC

Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học (hay còn gọi là bảng tuần hoàn) là bảng sắp xếp các nguyên tố hóa học theo những nguyên tắc nhất định dựa trên thuyết cấu tạo nguyên tử.

I – Nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn

Dựa vào thuyết cấu tạo nguyên tử, nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn như sau:

  • Các nguyên tố được sắp xếp theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân nguyên tử.
  • Các nguyên tố có cùng số lớp electron trong nguyên tử được xếp thành một hàng.
  • Các nguyên tố có số electron hóa trị trong nguyên tử như nhau được xếp thành một cột.

“Electron hóa trị là những electron có khả năng tham gia hình thành liên kết hóa học. Chúng thường nằm ở lớp ngoài cùng hoặc ở cả phân lớp sát lớp ngoài cùng nếu phân lớp đó chưa bão hòa.”

Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học (SGK Hóa Học lớp 10, trang 37)

II – Cách đọc bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

1. Ô nguyên tố

Mỗi nguyên tố được xếp vào một ô của bảng tuần hoàn, gọi là ô nguyên tố.

Số thứ tự của ô nguyên tố đúng bằng số hiệu nguyên tử của nguyên tố đó.

Ví dụ: Nhôm (Al) chiếm ô thứ 13 trong bảng tuần hoàn. Tức là số hiệu nguyên tử của nhôm ZAl = 13

Những thông tin cơ bản của một ô nguyên tố (ô số 13, nguyên tố Al)

2. Chu kì

Chu kì là dãy các nguyên tố mà nguyên tử của chúng có cùng số lớp electron, được xếp theo chiều điện tích hạt nhân tăng dần. Số thứ tự của chu kì bằng số lớp electron trong nguyên tử.

  • Chu kì thường bắt đầu bằng một kim loại kiềm và kết thúc bằng một khí hiếm (trừ chu kì 1 và chu kì 7).
  • Các chu kì 1, 2, 3 được gọi là các chu kì nhỏ.
  • Các chu kì 4, 5, 6, 7 được gọi là các chu kì lớn.

Ví dụ về bài tập tìm chu kì của một nguyên tố cơ bản:

Nguyên tử của nguyên tố A có Z =13. Vậy nguyên tố A thuộc chu kì mấy?

Z =13 = số electron. Cấu hình electron của nguyên tử nguyên tố A là 1s22s22p63s23p1

Nhìn vào cấu hình electron ta thấy các electron của nguyên tử nguyên tố A phân bố trên 3 lớp (1, 2, 3)=> Nguyên tố A thuộc chu kì 3.

3. Nhóm nguyên tố

Nhóm nguyên tố là tập hợp các nguyên tố mà nguyên tử có cấu hình electron tương tự nhau. Do đó có tính chất hóa học gần giống nhau và được xếp thành một cột.

Nguyên tử các nguyên tố trong cùng một nhóm có số electron hóa trị bằng nhau và bằng số thứ tự của nhóm (trừ hai cột cuối của nhóm VIIIB).

Bảng tuần hoàn có 18 cột chia thành 8 nhóm A, 8 nhóm B. Nhóm A có 8 cột, nhóm B có 10 cột (do nhóm VIIIB có đến 3 cột).

4. Khối nguyên tố

  • Khối các nguyên tố s gồm các nguyên tố thuộc nhóm IA và IIA.
  • Khối các nguyên tố p gồm các nguyên tố thuộc nhóm IIIA đến nhóm VIIIA (trừ He).

=> Nhóm A bao gồm các nguyên tố s và nguyên tố p.

  • Khối các nguyên tố d gồm các nguyên tố thuộc các nhóm B
  • Khối các nguyên tố f gồm các nguyên tố xếp ở hai hàng cuối bảng.

=> Nhóm B bao gồm các nguyên tố d và nguyên tố f.

BÀI TẬP VỀ BẢNG TUẦN HOÀN

Bài 1. Các nguyên tố xếp ở chu kì 6 có số lớp electron trong nguyên tử là

A. 3 B. 5 C. 6 D. 7

Chọn đáp án đúng.

Giải:

Số lớp electron là chu kì => chọn đán án C

Bài 2. Trong bảng tuần hoàn các nguyên tố, số chu kì nhỏ và số chu kì lớn là

A. 3 và 3 B. 3 và 4 C. 4 và 4 D. 4 và 3

Chọn đáp án đúng.

Giải:

Số chu kì nhỏ là 3 gồm chu kì 1, 2, 3

Số chu kì nhỏ là 4 gồm chu kì 4, 5, 6, 7

=> Chọn đáp án B

Bài 3. Số nguyên tố trong chu kì 3 và 5 là

A. 8 và 18 B. 18 và 8 C. 8 và 8 D. 18 và 18

Chọn đáp án đúng.

Giải:

Bài 4. Trong bảng tuần hoàn, các nguyên tố được sắp xếp theo nguyên tắc nào?

A. Theo chiều tăng của điện tích hạt nhân

B. Các nguyên tố có cùng số lớp electron trong nguyên tử được xếp thành 1 hàng.

C. Các nguyên tố có cùng số electron hóa trị trong nguyên tử được xếp thành 1 cột.

D. Cả A, B, C

Chọn đáp án đúng nhất.

Giải:

Câu hỏi này là lý thuyết về nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn. Các bạn cần phải thuộc lòng 3 ý quan trọng, đó là nội dung của đáp án A, B, và C. Do đó, đáp án đúng nhất là đáp án D

Bài 5. Tìm câu sai trong các câu sau đây:

A. Bảng tuần hoàn gồm có các ô nguyên tố, các chu kì và các nhóm.

B. Chu kì là dãy các nguyên tố mà nguyên tử của chúng có cùng số lớp electron, được sắp xếp theo chiều điện tích hạt nhân tăng dần.

C. Bảng tuần hoàn có 7 chu kì. Số thứ tự của chu kì bằng số phân lớp electron trong nguyên tử.

D. Bảng tuần hoàn có 8 nhóm A và 8 nhóm B.

Giải:

Số thứ tự của chu kì bằng số lớp electron trong nguyên tử. Do đó câu C là câu sai.

=> Chọn đáp án C

Bài 6. Hãy cho biết nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

Giải:

Dựa vào thuyết cấu tạo nguyên tử, nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn như sau:

  • Các nguyên tố được sắp xếp theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân nguyên tử.
  • Các nguyên tố có cùng số lớp electron trong nguyên tử được xếp thành một hàng.
  • Các nguyên tố có số electron hóa trị trong nguyên tử như nhau được xếp thành một cột.

Bài 7.

a) Nhóm nguyên tố là gì?

b) Bảng tuần hoàn các nguyên tố có bao nhiêu cột?

c) Bảng tuần hoàn có bao nhiêu nhóm A?

d) Bảng tuần hoàn có bao nhiêu nhóm B? Các nhóm B gồm bao nhiêu cột?

e) Những nhóm nào chứa nguyên tố s? Những nhóm nào chứa nguyên tố p? Những nhóm nào chứa nguyên tố d?

Giải:

a) Nhóm nguyên tố là tập hợp các nguyên tố mà nguyên tử có cấu hình electron tương tự nhau. Do đó có tính chất hóa học gần giống nhau và được xếp thành một cột.

b) Bảng tuần hoàn các nguyên tố có 18 cột

c) Bảng tuần hoàn có 8 nhóm A.

d) Bảng tuần hoàn có 8 nhóm B. Các nhóm B, mỗi nhóm có 1 cột, riêng nhóm VIII B có 3 cột.

e) Nhóm IA và IIA chứa các nguyên tố s. Từ nhóm IIIA đến VIIIA chứa các nguyên tố p. Nhóm B chứa các nguyên tố d

Bài 8. Hãy cho biết quan hệ giữa số thứ tự của nhóm A và số electron hóa trị của nguyên tử các nguyên tố trong nhóm.

Giải:

Số thứ tự của nhóm A chính là số electron hóa trị của nguyên tử các nguyên tố trong nhóm đó.

Bài 9. Hãy cho biết số electron thuộc lớp ngoài cùng của nguyên tử các nguyên tố Li, Be, B, C, N, O, F, Ne.

Giải:

Bạn cần xem bảng tuần hoàn để trả lời câu hỏi này.

  • Li thuộc nhóm IA, có 1 electron lớp ngoài cùng
  • Be thuộc nhóm IIA, có 2 electron lớp ngoài cùng
  • B thuộc nhóm IIIA, có 3 electron lớp ngoài cùng
  • C thuộc nhóm IVA, có 4 electron lớp ngoài cùng
  • N thuộc nhóm VA, có 5 electron lớp ngoài cùng
  • O thuộc nhóm VIA, có 6 electron lớp ngoài cùng
  • F thuộc nhóm VIIA, có 7 electron lớp ngoài cùng
  • Ne thuộc nhóm VIIIA, có 8 electron lớp ngoài cùng