Trong cuộc sống, ta có thể bắt gặp những chất tan trong nước nhiều, những chất ít tan trong nước, hay có thể là những chất không tan trong nước. Vậy yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng tan của một chất trong nước. Đó chính là độ tan. Vậy độ tan là gì? Những yếu tố ảnh hưởng đến độ tan? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay các bạn nhé!

Độ tan là gì? Những yếu tố ảnh hưởng đến độ tan

1. Chất tan và chất không tan

a) Thí nghiệm về tính tan

– Canxi cacbonat CaCO3 không tan trong nước

– Natri clorua NaCl tan được trong nước.

→ Kết luận: Có những chất tan, chất không tan trong nước. Có chất tan nhiều, có chất ít tan trong nước.

b) Tính tan của axit, bazơ, muối trong nước

Axit: hầu hết axit đầu tan trong nước, trừ axit silixic (H2SiO3)

Bazơ: Phần lớn các bazơ không tan trong nước, trừ một số bazơ như: NaOH, KOH, Ba(OH)2,… Ca(OH)2 ít tan.

Muối:

  • Tất cả muối Na, K đều tan.
  • Tất cả muối nitrat (-NO3) đều tan.
  • Đa số muối clorua (-Cl) và sunfat (=SO4) tan được. Phần lớn muối cacbonat (=CO3) không tan.

2. Độ tan của một chất trong nước

a) Định nghĩa

– Độ tan (S) của một chất trong nước là số gam chất đó tan được trong 100 g nước để tạo thành dung dịch bão hòa ở một nhiệt độ xác định.

– Ví dụ:

  • Ở 25 °C, độ tan của đường là 204 g, NaCl là 36 g, AgNO3 là 222 g…

b) Những yếu tố ảnh hưởng đến độ tan

– Độ tan của chất rắn phụ thuộc vào nhiệt độ: đa số chất rắn có độ tan tăng khi t° tăng.

do-tan-la-gi-nhung-yeu-to-anh-huong-den-do-tan-1

– Độ tan của chất khí phụ thuộc vào nhiệt độ và áp suất: độ tan của chất khí tăng khi giảm t° và tăng áp suất.

do-tan-la-gi-nhung-yeu-to-anh-huong-den-do-tan-2

Bài tập về độ tan của một chất

Câu 1. Chọn câu trả lời đúng trong các câu sau.

Độ tan của một chất trong nước ở nhiệt độ xác định là:

A. Số gam chất đó có thể tan trong 100 g dung dịch.

B. Số gam chất đó có thể tan trong 100 g nước.

C. Số gam chất đó có thể tan trong 100 g dung môi để tạo thành dung dịch bão hòa.

D. Số gam chất đó có thể tan trong 100 g nước để tạo thành dung dịch bão hòa.

Đáp án: D

Câu 2. Khi tăng t° thì độ tan của chất rắn trong nước:

A. Đều tăng

B. Đều giảm

C. Phần lớn là tăng

D. Phần lớn là giảm

C. Không tăng cũng không giảm

Đáp án: C

Câu 3. Khi giảm t° và tăng áp suất thì độ tan của chất khí trong nước:

A. Đều tăng

B. Đều giảm

C. Có thể tăng và có thể giảm

D. Không tăng cũng không giảm

Đáp án: A

Câu 4. Dựa vào đồ thị về độ tan của các chất rắn trong nước, hãy cho biết độ tan của: NaNO3, KBr, KNO3, NH4Cl, NaCl, Na2SO4 ở 10 °C và 60 °C.

Đáp án:

Ở 10 °C, độ tan của các chất là:

  • NaNO3: 80 g
  • KBr: 60 g
  • KNO3: 20 g
  • NH4Cl: 30 g
  • NaCl: 35 g
  • Na2SO4: 60 g

Ở 60 °C, độ tan của các chất là:

  • NaNO3: 130 g
  • KBr: 95 g
  • KNO3: 110 g
  • NH4Cl: 70 g
  • NaCl: 38 g
  • Na2SO4: 45 g

Câu 5. Xác định độ tan tron nước của muối Na2CO3 trong nước (ở 18 °C). Biết ở nhiệt độ này, khi hòa tan hết 53 g Na2CO3 trong 250 g nước thì được dung dịch bão hòa.

Đáp án:

Độ tan của Na2CO3 là:

S = 53 x 100 / 250 = 21,2 g