Chúng ta đã biết về axit. Những axit khác nhau có một số tính chất hóa học giống nhau. Vậy những tính chất hóa học của axit giống nhau đó là gì? Và những axit nào là axit mạnh và yếu, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

1. Tính chất hóa học của axit

1.1. Làm đổi màu chất chỉ thị

Dung dịch axit làm quỳ tím hóa đỏ.

1.2. Tác dụng với kim loại

Dung dịch axit tác dụng với một số kim loại tạo thành muối và giải phóng khí hidro.

Axit + Kim loại → Muối + H2

Ví dụ:

2HCl (dd) + Zn → ZnCl2 + H2

3H2SO4 (dd loãng) + 2Al → Al2(SO4)3 + 3H2

Riêng axit HNO3 và H2SO4 đặc tác dụng được với nhiều kim loại (không giải phóng khí hidro).

Tính chất hóa học của axit

tinh-chat-hoa-hoc-cua-axit

1.3. Tác dụng với bazo

Dung dịch axit tác dụng với bazo tạo thành muối và nước. Phản ứng giữa axit và bazo được gọi là phản ứng trung hòa.

Axit + Bazo → Muối + H2O

Ví dụ:

HCl + NaOH → NaCl + H2O

2HNO3 + Ba(OH)2 → Ba(NO3)2 + H2O

H2SO4 + Cu(OH)2 → CuSO4 + 2H2O

Axit tác dụng được với cả bazo tan và không tan.

1.4. Tác dụng với oxit bazo

Dung dịch axit tác dụng với oxit bazo tạo thành muối và nước.

Axit + Oxit bazo → Muối + H2O

Ví dụ:

2HCl + K2O → 2KCl + H2O

2HCl + FeO → FeCl2 + H2O

1.5. Tác dụng với muối

Axit tác dụng với muối tạo thành muối mới và axit mới.

Axit + Muối → Axitmới + Muốimới

Ví dụ:

H2SO4 + BaCl2 → BaSO4 ↓ + 2HCl

HCl + AgNO3 → AgCl ↓ + HNO3

2HNO3 + Na2CO3 → 2NaNO3 + CO2 ↑ + H2O

Điều kiện của phản ứng là 2 chất tham gia phải tan và sản phẩm tạo thành phải có chất rắn không tan trong nước hoặc có khí thoát ra.

2. Axit mạnh và axit yếu

Dựa vào tính chất hóa học, axit được phân chia làm 2 loại:

– Axit mạnh: HCl, H2SO4, HNO3, HClO4

– Axit yếu: H2CO3, H2S, H2SO3, HF…

Giải bài tập về tính chất hóa học của axit

Câu 1. Từ Mg, MgO, Mg(OH)2 và dd H2SO4 (loãng). Viết các PTHH của phản ứng điều chế magie sunfat MgSO4.

Bài làm:

Mg + H2SO4 → MgSO4 + H2

MgO + H2SO4 → MgSO4 + H2O

Mg(OH)2 + H2SO4 → MgSO4 + 2H2O

Câu 2. Cho những chất sau: CuO, Mg, Al2O3, Fe(OH)3, Fe2O3. Hãy chọn một trong những chất đã cho tác dụng với dd HCl sinh ra:

a) Khí nhẹ hơn không khí và cháy được trong không khí

b) dd có màu xanh lam

c) dd có màu vàng nâu

d) dd không có màu

Viết các PTHH.

Bài làm:

a) Mg + 2HCl → MgCl2+ H2

b) CuO + 2HCl → CuCl2+ H2O

c) Fe(OH)3+ 3HCl → FeCl3+ 3H2O

Fe2O3 + 6HCl → 2FeCl3 + 3H2O

d) Al2O3+ 6HCl → 2AlCl3+ 3H2O

Câu 3. Viết các PTHH của những phản ứng sau:

a) Magie oxit và axit nitric

b) Đồng (II) oxit và axit clohiđric

c) Nhôm oxit và axit sunfuric

d) Sắt và axit clohiđric

e) Kẽm và axit sunfuric loãng

Bài làm:

a) MgO + 2HNO3 → Mg(NO3)2 + H2O

b) CuO + 2HCl → CuCl2 + H2O

c) Al2O3 + 3H2SO4 → Al2(SO4)3 + 3H2O

d) Fe + 2HCl → FeCl2 + H2

e) Zn + H2SO4 → ZnSO4 + H2

Câu 4. Có 10 g hỗn hợp bột 2 kim loại Cu và Fe. Hãy giới thiệu phương pháp xác định thành phần % (theo khối lượng) của mỗi kim loại trong hỗn hợp theo:

a) Phương pháp hóa học. Viết PTHH.

b) Phương pháp vật lí.

(Biết rằng Cu không tác dụng với axit HCl và axit H2SO4 loãng)

Bài làm:

a) Phương pháp hóa học:

– Bước 1: Cho 10 g hỗn hợp trên vào dd HCl (hoặc H2SO4 loãng) dư cho đến khi ngừng thoát khí ra. (Fe phản ứng hết).

Fe + 2HCl → FeCl2 + H2

– Bước 2: Chất rắn còn lại là Cu không tan đem đi lọc, rửa nhiều lần trên giấy lọc, sấy khô và cân.

– Bước 3: Dựa vào khối lượng của Cu tính được khối lượng Fe. Từ đó tính được thành phần % theo khối lượng của mỗi kim loại.

b) Phương pháp vật lí:

– Bước 1: Dùng thanh nam châm đầu bọc bằng mảnh nilon mỏng chà nhiều lần vào hỗn hợp để lấy riêng Fe ra. (Đồng không bị nam châm hút). Đem cân khối lượng Fe.

– Bước 2: Dựa vào khối lượng của Fe, tính được khối lượng của Cu. Từ đó tính được thành phần % theo khối lượng của mỗi kim loại.